Chi tiêu trong gia đình luôn là bài toán được các chị em quan tâm. Với những gia đình có mức thu nhập eo hẹp, việc chi tiêu "khéo ăn thì sẽ no, khéo co thì vừa ấm" được áp dụng triệt để. Còn với những gia đình có thu nhập cao hơn, việc tính toán chi tiêu như thế nào để vẫn đầy đủ cho gia đình mà vẫn có 1 khoản tích lũy dự phòng cũng quan trọng không kém. Bởi tâm lý lương cao, chi tiêu cho thoải mái có thể khiến các khoản tiêu pha trong gia đình bị "bội chi" ngay lập tức.
Chị Nguyễn An (hiện sống tại Hải Phòng) cũng rất quan tâm tới việc chi tiêu của gia đình. Thu nhập của hai vợ chồng chị một tháng vào khoảng 100 triệu.
Gia đình chị An có 5 thành viên, bao gồm hai vợ chồng và ba con con nhỏ. Nhưng hiện tại, chồng của chị đi làm xa (hiện đang là lái tàu, thường những chuyến đi biển kéo dài cả vài tháng) nên chi phí sinh hoạt trong bảng chi tiêu này chỉ tính ba mẹ con trong 1 tháng.
Chi phí chi tiêu trong 1 tháng của gia đình 4 người tại Hải Phòng, bao gồm mẹ và 3 con nhỏ. Ảnh: NVCC.
Có thể thấy, bảng chi tiêu của chị Nguyễn An và 3 con nhỏ khá khoa học và kiểm soát được từng khoản nhờ sử dụng tới sự quản lý của app chi tiêu.
Chi phí nhiều nhất trong 1 tháng của gia đình là vào khoản giáo dục và phát triển bản thân là 11.351.000 đồng. Tiếp theo là ăn uống hết 4.642.000 đồng. Các chi phí như mua sắm tạp hóa, sinh hoạt, giải trí, mua sắm, quà tặng,... chỉ tốn từ 53.000 đồng đến 3,9 triệu/tháng. Tổng chi 1 tháng của gia đình bao gồm mẹ và 3 con nhỏ là 28.573.000 đồng.
Với bài toán chi tiêu của riêng mình, chị Nguyễn An đã lo được cho gia đình 4 người cuộc sống tươm tất, không chỉ vậy mỗi tháng còn để ra 1 khoản tích lũy khoảng 70 triệu khiến nhiều người phải nể phục.
Tuy nhiên, chị Nguyễn An vẫn băn khoăn và cho rằng chưa tối ưu được các khoản chi tiêu. Số tiền tiêu mỗi tháng dành cho việc giải trí và làm đẹp cho bản thân là rất ít mà chủ yếu chỉ tiêu cho các hạng mục thiết yếu. Chưa kể thời gian tới chồng được nghỉ và chuyển về sống tại nhà thì chi tiêu của gia đình cũng sẽ tăng cao hơn.
"Gia đình tôi chủ yếu ăn cơm nhà, rất ít la cà ở hàng quán. Tôi cũng chủ yếu mua sắm thứ mình cần thay cho thứ mình muốn. Nhưng tôi thấy vẫn đang thiếu cho phần chăm sóc bản thân, như muốn mua mỹ phẩm thì sẽ cứ lùi lại mãi. Với mức thu nhập hiện tại tôi cũng đang muốn thay đổi để hợp lý hơn.
Bởi nếu áp dụng theo công thức 50% cho nhu cầu, 30% cho mong muốn và 20% cho khoản tiết kiệm thì số tiền 50 triệu cho chi tiêu nhu cầu cần thiết tôi thấy là quá nhiều, còn chỉ tiêu 30 triệu/tháng thì lại không quá thoải mái", Nguyễn An chia sẻ.
Trong thời gian tới, khi chồng về sống ở nhà thì Nguyễn An sẽ cố gắng theo dõi chi tiêu, cũng có thể tăng lên cao hơn miễn sao là phù hợp với nhu cầu của gia đình và cả hai vợ chồng đều thấy hợp lý là được.
Chị An thường nấu ăn tại nhà thay vì đặt đồ hàng quán hay ra ngoài ăn. Ảnh minh họa.
Một số mẹo kiểm soát chi tiêu mà chị Nguyễn An đang sử dụng cho gia đình:
- Luôn có bảng chi tiêu rõ ràng bằng cách ghi chép vào ứng dụng trên điện thoại
Để kiểm soát được các khoản chi tiêu, chị Nguyễn An luôn ghi chép các khoản chi vào ứng dụng trên điện thoại. Các khoản được ghi chép rõ ràng, đề mục cẩn thận để khi cần có thể kiểm tra được ngay lập tức. Bằng cách này khi tới gần cuối tháng, chị cũng biết cách cân đối chi tiêu ra sao để tránh tiêu quá nhiều.
- Đi chợ và tự nấu ăn tại nhà, chỉ mua những thứ mình cần
Chị An thường nấu ăn tại nhà thay vì đặt đồ hàng quán hay ra ngoài ăn. Thức ăn tự nấu tại nhà vừa đảm bảo lại tiết kiệm chi phí hơn. Thường cuối tuần có thời gian chị sẽ đi chợ mua sắm hoa, củ, quả, thức ăn cho cả tuần. Mua đồ ở chợ giá cả mềm hơn, nguyên liệu cũng tươi ngon. "Mình cũng chủ yếu mua thực phẩm theo mùa để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Bởi mua thực phẩm hoa củ quả đúng mùa, như thế vừa hạn chế được thuốc sâu mà giá cả lại rẻ hơn rất nhiều so với việc chúng ta đi chợ mua đồ trái mùa", chị An chia sẻ.
Bài viết ghi lại từ chia sẻ của nhân vật.