Việt Nam đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp cũng là điều dễ hiểu. Lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh - Quochoi.vn.
Phát biểu giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thông tin về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; việc khôi phục và phát triển thị trường lao động được nhiều cử tri quan tâm.
HỖ TRỢ 87.000 TỶ ĐỒNG CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID-19
Về công tác hỗ trợ an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta đã thực hiện các chính sách chưa từng có tiền lệ. Đến nay, đã hỗ trợ 87.000 tỷ đồng cho hơn 56 triệu lượt người lao động, người dân và trên 730.000 người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Có thể thấy rằng, hằng năm thông thường ngoài các chính sách thường xuyên thì chúng ta chỉ hỗ trợ được khoảng 1 triệu người đột xuất, nhưng hơn 1 năm qua đã hỗ trợ tới 87.000 tỷ đồng và 56 triệu lượt người, trên 730.000 người sử dụng lao động, là điều chưa bao giờ có tiền lệ. Trong khi các nước thông thường những chính sách này là phát đại trà, nhưng với chúng ta đối tượng thì đa dạng, lĩnh vực thì rộng lớn, kinh phí đòi hỏi phải triển khai nhanh”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay, chính những chính sách này đã góp phần rất quan trọng để ổn định lòng dân, thu hút người lao động quay trở lại và lực lượng lao động yên tâm làm việc; góp phần rất quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, thời gian qua, đời sống nhân dân được cải thiện một bước, mặc dù còn một bộ phận khó khăn. Thu nhập bình quân người lao động quý 3 qua khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy đạt 7,6 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khu vực dịch vụ bình quân đạt trên 8 triệu đồng, tăng 29,4%.
Điều này cho thấy cuộc sống và thu nhập của người lao động, người dân đã dần trở lại bình thường. Thu nhập tăng, đời sống người dân được cải thiện, một số vấn đề như nhà ở, nhà trọ, các chính sách an sinh, lưới an sinh, các nhu cầu thiết yếu cũng đã được các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn.
THIẾU LAO ĐỘNG CHẤT LƯỢNG CAO
Đối với thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, nhìn tổng quát thì lực lượng lao động của chúng ta phục hồi nhanh, bởi lẽ cách đây một năm, chúng ta đã rất lo lắng khi đại dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi thành trì của phát triển kinh tế. “Dòng người gần 3 triệu người di chuyển từ TP. HCM, các cực tăng trưởng về các địa phương. Đây là những vấn đề lúc bấy giờ rất lo lắng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhớ lại.
Theo Bộ trưởng, đến nay quy mô lao động đã đạt 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 3 đến thời điểm này là 2,28%. Như vậy, có thể thấy rằng chúng ta thuộc các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Về công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng đánh giá có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Tỷ lệ người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình và người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn.
Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường. Tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo được tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh.
“Chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. “Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp cũng là điều dễ hiểu. Lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp. Đây là vấn đề phải nhìn nhận một cách đầy đủ và xác đáng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.
Thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển.
Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường linh hoạt, hiện đại, bền vững, phát triển, nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động.
Cùng với đó, đầu tư các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, các trung tâm chất lượng cao. Khẩn trương hoàn thiện, tiếp nhận chuyển giao các chương trình đào tạo chất lượng cao hàng đầu thế giới, nhất là của Đức.
Cùng với đó, thực hiện đào tạo kép cơ chế doanh nghiệp, nhà nước và người học cùng tham gia, mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành. Nhất quán chủ trương phân luồng sớm, phân luồng mạnh, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề.