Sáng 8/2, hội nghị về tín dụng với bất động sản diễn ra dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước. Cùng họp có 20 doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn, chiếm thị phần cao trên thị trường bất động sản Việt Nam như Vingroup, Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh... tham gia hội nghị này.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, dòng vốn vào thị trường bất động sản đến từ nhiều nguồn như vốn tự có của doanh nghiệp, vốn ứng trước của người mua nhà, vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn tín dụng ngân hàng. "Với ngành ngân hàng, diễn biến trên thị trường cũng như những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô", ông Tú nói.
Phó thống đốc nhận định thời gian qua thị trường bất động sản xảy ra hiện tượng mất cân đối cung cầu, một số nơi xảy ra tình trạng sốt đất, thanh khoản thị trường sụt giảm, nhiều vụ việc đáng tiếc của doanh nghiệp xảy ra trên thị trường vốn… dẫn đến mất niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường.
Cao ốc dày đặc tại khu vực quận Thanh Xuân (Hà Nội) (Ảnh: Hà Phong).
Phó thống đốc cho biết cuộc họp hôm nay với các doanh nghiệp bất động sản lớn để cùng đánh giá tình hình cấp tín dụng với thị trường bất động sản, đồng thời, nêu ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp cấp tín dụng, cách tiếp cận tín dụng… trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Ông Tú đề nghị các doanh nghiệp đưa ra các giải pháp khả thi, phù hợp điều kiện thực tế, pháp luật hiện hành.
"Hiện các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì được tổ chức tín dụng cho vay theo đúng quy định", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.
Theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua, nhiều đơn vị nói Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản.
"Chưa có văn bản nào của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết tín dụng bất động sản. Có chăng làchỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có tỷ lệ rủi ro cao trong lĩnh vực bất động sản ví dụ như đầu cơ, kinh doanh phân khúc lớn… có thể dẫn đến tình trạng bong bóng, đóng băng ảnh hưởng đến cả hệ thống và an toàn tài chính quốc gia", ông Tú nói.
Ông Tú cho biết những phân khúc còn lại của bất động sản đều bình đẳng với các lĩnh vực khác mà Ngân hàng Nhà nước đang cấp vốn.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM, khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường), trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu.
Do đó, để tháo gỡ các khó khăn, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thì cần thêm sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong đó, chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng: kinh doanh bất động sản tăng 11,5% chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỷ trọng 68,72%. Theo phân khúc, dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở nhà hội 0,71%, khác là 13,77%...