Liên quan đến việc xử lý nồng độ cồn, các Đại biểu Quốc hội đưa ra 2 luồng ý kiến khác nhau. Một số ủng hộ quan điểm đã lái xe là không có nồng độ cồn trong hơi thở, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên quy định ngưỡng nhất định.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong dự luật này là quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Trao đổi với PV VietNamNet, một số Đại biểu Quốc hội đưa ra 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Cụ thể, một số đại biểu ủng hộ quan điểm đã lái xe là không có nồng độ cồn trong hơi thở; số khác cho rằng nên quy định ngưỡng nhất định nồng độ cồn trong người điều khiển phương tiện giao thông.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, quy định nồng độ cồn trong hơi thở lái xe bằng 0 là không hợp lý.
“Nếu như tôi uống tối nay, sau một đêm ngủ, dù cơ thể tỉnh táo để lái xe nhưng sáng mai bị cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn trong hơi thở thì rất có thể vẫn bị phạt”, ông Hòa nói.
Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Đình Hiếu
Ngoài ra, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, rất nhiều thực phẩm, đặc biệt là hải sản cần được nấu chín thông qua việc hấp với rượu, bia. Khi ăn loại thực phẩm này, hơi thở cũng có nồng độ cồn.
“Người điều khiển phương tiện giao thông ra đường bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm nồng độ cồn chỉ vì ăn thực phẩm hấp rượu, bia cũng là điều khiến họ băn khoăn”, ông Phạm Văn Hòa chia sẻ.
Theo ông Hòa, văn hóa, phong tục của người Việt xưa nay thường có thói quen nhâm nhi ly rượu trong trao đổi công việc và trong gia đình. Do vậy, khi cấm ngặt như vậy cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của một số người và ảnh hưởng đến kinh doanh, buôn bán của các nhà hàng.
Do vậy, ông Hòa cho rằng, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên chỉnh lý theo hướng chấp nhận trong hơi thở người điều khiển phương tiện giao thông có một mức độ nồng độ cồn ở ngưỡng phù hợp.
Làm nghiêm để tránh tai nạn đáng tiếc
Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Xuân Cừ (Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam), việc quy định có một mức độ cồn nào đó trong hơi thở lái xe là làm khó cơ quan thực thi pháp luật và cũng là khó cho cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
“Tửu lượng mỗi người khác nhau, có anh uống chục chén không say, nhưng có anh uống một chén đã không đủ tỉnh táo. Do vậy, cơ quan soạn thảo dự luật biết quy định như thế nào là phù hợp? Theo tôi, đã cấm là cấm hẳn người điều khiển phương tiện phương tiện giao thông uống rượu, bia”, ông Trương Xuân Cừ nêu quan điểm.
Thời gian qua, nhiều người dân và cán bộ, công chức bị xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.
Ông Trương Xuân Cừ cho rằng, việc xử lý nghiêm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông như thời gian vừa qua đã tác động lớn tới tâm lý xã hội. Nhiều người đã dần hình thành ý thức chủ động đi taxi, xe ôm đến nhà hàng khi xác định sẽ uống rượu bia.
“Pháp luật không cấm bất cứ ai uống rượu, bia. Nhưng khi đã uống thì không nên điều khiển phương tiện giao thông để tránh gây tai nạn đáng tiếc”, ông Trương Xuân Cừ nói và cho rằng, trước đây khi bắt buộc người điều khiển xe máy phải đội mũ bảo hiểm cũng không được nhiều người đồng tình. Nhưng hiện nay, người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm lại trở thành lạc lõng trên đường.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, hiện nay đang áp dụng việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống rượu bia nhưng thực tế vẫn có người vi phạm.
Do vậy, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, phải dựa trên cơ sở nghiên cứu bài bản từ thực tiễn và trên thế giới để đưa ra quy định phù hợp nhất. Dự án luật được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 năm 2024.
“Tất nhiên, nếu quy định nồng độ cồn trong hơi thở ở một mức độ nhất định vẫn được điều khiển phương tiện thì làm khó cho cơ quan thực thi pháp luật. Do vậy, đơn vị liên quan cần phải lắng nghe các ý kiến để có quy định phù hợp”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói thêm.
tin liên quan
Bình luận