Bổ sung nhiều nhóm chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập cho người lao động, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp... là những đề xuất được đưa ra khi xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) tới đây...
Ảnh minh họa.
Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, nâng cao thu nhập cho người lao động.
BỔ SUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC LÀM CHO NHIỀU NHÓM ĐỐI TƯỢNG
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Việt làm 2013 đã quy định nhiều chính sách hỗ trợ việc làm, tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, các quy định đã bộc lộ một số hạn chế.
Trong đó, về chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm chủ yếu thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội, chưa quy định cụ thể nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy cho vay giải quyết việc làm.
Mặt khác, thiếu quy định khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm, nhất là việc làm tại chỗ cho lao động ở khu vực nông thôn.
Đối tượng được nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 5 nhóm đối tượng chính sách, trong khi một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung. Đồng thời, chưa có quy định khung nhằm tạo cơ hội tiếp cận chính sách tín dụng, học nghề cho mọi lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, chưa có quy định về chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi; chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức. Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung như vấn đề làm thêm của học sinh, sinh viên.
Chưa có các quy định hỗ trợ phát triển thị trường lao động về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu; chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể tham gia thị trường lao động cho các đối tượng yếu thế, đặc thù.
Trước những thực tế trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nói chung, một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù nói riêng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động; bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
THÊM ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Về chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Sửa đổi quy định về đối tượng vay, điều kiện vay vốn theo hướng tạo thuận lợi vay vốn và phù hợp với các quy định pháp luật liên quan; bổ sung quy định ưu tiên vay vốn với mức lãi suất thấp hơn cho người cao tuổi.
Luật Việc làm sẽ sửa đổi quy định về đối tượng được vay vốn giải quyết việc làm.
Đồng thời, bổ sung quy định Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ và thị trường lao động.
Bộ cũng đề xuất bổ sung đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ngoài 5 đối tượng hiện hành) gồm: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động thuộc huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ việc làm cho một số nhóm lao động đặc thù, yếu thế như: Bổ sung quy định khuyến khích doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo; quy định hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn.
Bổ sung một số đối tượng ưu tiên tham gia chính sách việc làm công (với điều kiện phù hợp với khả năng, sức khỏe) như lao động là người cao tuổi, người khuyết tật. Bổ sung quy định về việc làm bán thời gian cho học sinh, sinh viên theo hướng quy định về thời gian, các chế độ cơ bản (tiền công, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn …) và trách nhiệm quản lý, theo dõi học sinh, sinh viên làm thêm.
MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Riêng về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bộ đề xuất hoàn thiện chính sách này để hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động.
Cụ thể, Bộ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Sửa đổi 4 chế độ hiện hành theo hướng mở rộng phạm vi, rà soát điều kiện tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi và hỗ trợ trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, “cú sốc” thị trường…đột xuất khác.
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội.
Để thực hiện, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.
Sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp...
Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng…
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mà nếu tận dụng được, thị trường lao động chắc chắn sẽ có thể phát triển nhanh, bền vững hơn.
Để làm được điều này, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế...