Phía đông Ukraine có gì lạ?

31/03/2023 10:00
Trước diễn biến thực tế mới, Nga vừa nhắc lại những điều kiện để tiến tới hòa bình bền vững, công bằng và toàn diện ở Ukraine. Nhưng liệu những đề nghị này có khả thi trong tình hình hiện tại?

 

Phía đông Ukraine có gì lạ?

Một chiếc xe tăng được kéo đi trên đường ở gần thành phố Bakhmut nằm phía đông Ukraine trong ngày 29-3 - Ảnh: REUTERS

Năm ngoái, khi Tổng thống V. Putin tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine ngày 24-2, hai lý do chính ông nêu ra là nhằm "phi quân sự hóa" và phi phát xít hóa" Ukraine. Đến nay, khi chiến dịch đã bước sang năm thứ hai với "những thực tế mới", các điều kiện để chấm dứt chiến sự đã được Phó thủ tướng Nga Mikhail Galuzin tóm tắt trong trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RTVI hôm 29-3.

Công thức hòa bình của Matxcơva

Theo đó, ông Mikhail Galuzin truyền đạt quan điểm củaBộ Ngoại giao Ngacho rằng "một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở Ukraine và châu Âu" có thể có được "với việc chấm dứt chiến sự của các nhóm vũ trang Ukraine và việc dừng cung cấp vũ khí của các nước phương Tây, cũng như sự rút lui của lính đánh thuê nước ngoài".

Cụ thể, ông Galuzin nói công thức cho một tương lai hòa bình của Ukraine nằm ở việc "quay trở lại nguồn gốc của tư cách nhà nước của Ukraine, được ghi trong tuyên bố chủ quyền Nhà nước Ukraine năm 1990, quy định về quy chế trung lập, ngoại khối của Ukraine, tôn trọng các quyền của dân số Nga và các dân tộc thiểu số của Ukraine, di chuyển tự do xuyên biên giới với Nga". Một trong những điều kiện quan trọng nữa làKievvà phương Tây "phải công nhận thực tế lãnh thổ mới".

Ngoài những điều kiện từng được đưa ra trước đây, lần này Matxcơva nhấn mạnh việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga của Ukraine và phương Tây; "rút lại yêu sách, ngừng truy tố Nga, các cá nhân và pháp nhân của nước này". Ngoài ra, Nga yêu cầu "khôi phục bằng chi phí của phương Tây các cơ sở hạ tầng dân sự bị lực lượng vũ trang Ukraine phá hủy sau năm 2014"...

Những thực tế mới

Có thể thấy những điều kiện mới vừa được Nga đưa ra xuất phát từ những leo thang gần đây trong xung đột giữaNga với Ukrainevà phương Tây.

Trước tiên là tình trạng căng thẳng hạt nhân. Chỉ ba ngày sau khi Bộ Năng lượng Ukraine hôm 17-3 tuyên bố Công ty năng lượng hạt nhân Ukraine Energoatom sẽ hợp tác với Công ty Westinghouse của Mỹ để "sản xuất nhiên liệu thay thế nhiên liệu hạt nhân của Nga", ngày 20-3, Thứ trưởng Quốc phòng Anh Annabelle Goldie cho biết London sẽ chuyển giao đạn pháo uranium nghèo cho Ukraine. Ngay sau đó, ngày 25-3 ông Putin cho biết Nga sẽ hoàn tất xây dựng kho dự trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus vào ngày 1-7 tới.

Tiếp theo là phương Tây đang tạo sức ép ngày càng tăng cả về mặt pháp lý lẫn quân sự với Nga. Việc Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ngày 17-3 phát lệnh "bắt giữ" Tổng thống V. Putin vì "trục xuất và di chuyển bất hợp pháp trẻ em Ukraine sang Nga" có thể xem là bước đi căng thẳng nhất sau khi hàng loạt nhân vật cao cấp của Nga bị cấm vận và trừng phạt.

Về quân sự, phương Tây tiếp tục đẩy mạnh viện trợ vũ khí cho Kiev. Gần đây nhất, tuần lễ bắt đầu từ 27-3 đã chứng kiến cuộc "diễu binh xe tăng" vào Ukraine: xe tăng Challenger 2 của Anh, xe tăng Leopard 2A6 từ Bồ Đào Nha, xe bọc thép chở quân Stryker của Mỹ, 18 xe tăng Leopard-2 và 40 xe chiến đấu bộ binh Marder từ Đức.

Tạp chí Der Spiegel (Đức) cũng đưa tin về kế hoạch của Berlin trong việc tăng chi tiêu hỗ trợ quân sự cho Ukraine gấp 5 lần trong những năm tới: từ 3 tỉ euro lên 15 tỉ euro, "do Ukraine đang tổn thất nặng nề về trang thiết bị quân sự".

Bất chấp tình hình rối ren trong nước liên quan đến cải cách tuổi hưu, Pháp cũng tích cực đóng góp cho Kiev. Trả lời báo Le Figaro,Bộ trưởng Quốc phòng PhápSebastien Lecornu thông báo ý định chuyển hệ thống phòng không SAMP/T cho Kiev trong tương lai gần và tăng nguồn cung đạn 155mm.

Từ cuối tháng 3, Ukraine sẽ nhận được 2.000 đơn vị mỗi tháng từ Paris... Không chỉ ra điều kiện phương Tây ngưng viện trợ thiết bị quân sự hay khí tài, Nga còn yêu cầu "rút lính đánh thuê" khỏi Ukraine.

Có thể thấy những vòng xoáy leo thang mới đều bắt đầu cùng lúc hoặc sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó việc thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Matxcơva và Bắc Kinh được đánh giá là mối đe dọa cho thế đơn cực của Washington.

Lời đáp từ Kiev

Đáp lại, Ukraine cũng đưa ra các yêu sách của mình mà việc hoàn thành nó được ông Mikhail Podolyak, cố vấn của người đứng đầu Văn phòng tổng thống Ukraine, cho rằng sẽ là "chiến thắng chung cuộc của Ukraine".

Các yêu sách này được ấn phẩm Strana.today hôm 29-3 tóm gọn trong ba điểm chính: 1/ Khôi phục biên giới năm 1991, bao gồm cả vớiCrimea; 2/ Đảm bảo tự do và an ninh "để mọi người dân Ukraine có thể lên chuyến bay của hãng hàng không quốc tế ở Kiev và bay đến bất cứ nơi nào họ muốn"; và 3/ Thực hiện phán quyết của ICC về tội phạm chiến tranh Nga.

Như vậy, so với kế hoạch 10 điểm mà ông Zelensky từng đưa ra hồi tháng 11-2022 (trong đó có an toàn bức xạ và hạt nhân, an ninh lương thực và năng lượng, thực hiện Hiến chương Liên Hiệp Quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trật tự thế giới; Nga rút quân và chấm dứt chiến sự...) các bước đi này không có gì đột phá mà chỉ là những bổ sung thêm theo tình hình mới.

Strana.today kèm theo đó bình luận: "Đương nhiên, những điều kiện này cũng không thể chấp nhận được đối với chính quyền Nga, cũng như các điều kiện của Nga đối với Ukraine. Và do đó, bây giờ mọi thứ sẽ được quyết định trên chiến trường".

Nhưng trên chiến trường, mọi thứ đang bị cỗ máy tuyên truyền chiến tranh can thiệp đến độ người ta chỉ đọc được những bản tin hoàn toàn trái ngược nhau. Chỉ có một điều hiếm hoi được cả hai phía thống nhất: cuộc chiến có thể sẽ dài lâu, và các "kế hoạch hòa bình" chưa có gì hứa hẹn.

Chiến sự vẫn mịt mùng

Hai trong những tin bên lề nhưng không khỏi làm người đọc suy nghĩ: ngày 28-3, RIA Novosti đưa tin trên trang web của tổng thống Ukraine vào ngày 27-3 xuất hiện lời thỉnh cầu không sử dụng đạn pháo uranium nghèo vì độc tính của nó với con người và hành tinh. Tuy nhiên, vào 30-3, trang web đã không truy cập được. Còn từ Nga, tờ Kommersant phát hiện: bắt đầu từ năm tới, Bộ Y tế dự định tăng gấp 4 lần số trung tâm huấn luyện quân sự (trước đây gọi là khoa quân sự) trong các trường đại học y khoa - từ 4 lên 17, "xuất phát từ bối cảnh chính trị - quân sự mới". Các trung tâm này sẽ đào tạo sinh viên cho các chương trình huấn luyện sĩ quan chuyên nghiệp và dự bị.

Vòng xoáy căng thẳng chỉ đang leo thang, còn lại, chiến sự vẫn tiếp diễn ở phía đông Ukraine!

Theo Nguồn tuoitre.vn

Phía đông Ukraine có gì lạ? - Tiêu Điểm