Ngày 6/7, ông Nguyễn Minh Phước, Giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp, cho biết kết quả nhận định được hội đồng khoa học của bảo tàng gồm 9 thành viên vừa công bố. Mặt trống đồng nặng 7,6 kg, đường kính 63 cm, bề mặt có ngôi sao 12 cánh, 6 chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, xen kẽ nhau là các vòng hoa văn khắc vạch và vòng tròn tiếp tuyến...
Mặt trống đồng Đông Sơn hiện được bảo quản tại Bảo tàng Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài
Cổ vật được ngư dân Đặng Văn Trác (32 tuổi, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) tìm thấy cách đây chừng ba tháng trong lúc đánh bắt thuỷ sản bằng cào lưới trên sông Hậu. Đoán đây có thể là cổ vật, anh Trác đăng lên mạng xã hội. Một nhân viên Hội khoa học lịch sử huyện Lai Vung đọc được, báo về tỉnh.
Hội khoa học lịch sử tỉnh đã cử người tới nhà ngư dân tìm hiểu, bước đầu nhận định khả năng là trống đồng Đông Sơn, nên kiến nghị bảo tàng tỉnh tham gia, vận động người dân giao nộp. Theo quy định, người phát hiện, giao nộp cổ vật sẽ được tặng thưởng 14 triệu đồng và bằng khen của UBND tỉnh.
Phía bảo tàng sau đó lập hội đồng khoa học để làm rõ giá trị, niên hạn mặt trống đồng. Ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đồng Tháp - thành viên hội đồng khoa học, cho biết niên đại của mặt trống đồng được xác định dựa vào kích cỡ, hoa văn, độ oxy hóa... "Đây là hiện vật chìm dưới sông, trong môi trường yếm khí nên quá trình oxy hoá chậm hơn. Các hoa văn trên mặt trống gần như còn nguyên, rất đẹp và rõ", ông Thuận nói.
Mặt trống đồng Đông Sơn được lưu giữ ở bảo tàng Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài
Theo hội đồng khoa học, cách đây hơn 2.000 năm sông Hậu là đường thông thương từ thượng nguồn ra cửa biển. Do đó khả năng lớn nhất trống đồng bị thất lạc trong chiến tranh hoặc sự thông hiếu (giao lưu, tặng biếu) giữa cư dân Đông Sơn với quốc gia khác, nhưng gặp sự cố khi vận chuyển nên chìm xuống sông.
Đánh giá của hội đồng khoa học, việc phát hiện trống đồng Đông Sơn dưới sông Hậu có ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hoá. Các nhà sử học khi viết lịch sử Nam Bộ chỉ dừng lại ở giai đoạn Phù Nam (thế kỷ I đến VII trước công nguyên) trong khi niên đại của trống đồng Đông Sơn trước đó 200-300 năm. Từ đây, nhiều khả năng trước khi người Phù Nam đến lập quốc đã có cộng đồng dân cư khá phát triển định cư tại đây.
Theo ông Thuận, ở Cần Thơ từng phát hiện trống đồng Đông Sơn, song các chi tiết hoa văn không còn nguyên vẹn, rõ ràng như mặt trống đồng vừa tìm thấy ở Đồng Tháp.
Anh Trác phát hiện cổ vật dưới sông Hậu. Ảnh: Nguyễn Khánh
Văn hóa Đông Sơn xuất hiện khoảng 800 năm trước công nguyên, ở một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ như: Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam , Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là thời kỳ được đánh giá rực rỡ của nền văn hoá Việt cổ và trống đồng được xem biểu tượng cho nền văn hóa Đông Sơn. Nhiều trống đồng thời kỳ này đã được tìm thấy ở một số nơi. Bảo tàng lịch sử Việt Nam đang lưu giữ số lượng lớn trống đồng Đông Sơn.
Ngọc Tài