Niềm tin vào kiếp sau của người Ai Cập cổ đại

10/04/2023 11:10
Người Ai Cập cổ đại nào cũng tin rằng họ mang theo một Ka, tạm dịch là linh hồn hay nguồn sống thiết yếu, khi bước vào thế giới này và bước sang thế giới tiếp theo.

 

Niềm tin vào kiếp sau của người Ai Cập cổ đại

Họ cho rằng thế giới tiếp theo tồn tại song song với thế giới này, vì vậy họ không ngừng chuẩn bị cho kiếp sau. Đồ ăn, thức uống và của cải được họ tích lũy suốt cuộc đời. Do đó, việc góp nhặt những nhu yếu phẩm cho thế giới bên kia đã định hình nghệ thuật của thời kỳ này.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng nếu linh hồn cần thân xác trong kiếp này thì nó cũng cần ở kiếp sau. Và Ka của người Ai Cập cần một vật chứa để trú ngụ trong đó MÃI MÃI. Do đó, nếu ngày xưa bạn là một người Ai Cập giàu có, bạn sẽ thu xếp để được ướp xác khi chết.

Pharaoh - hay Thượng đế tại thế và là người giàu có nhất vương quốc - không chỉ được ướp xác, mà để phòng trường hợp quá trình ướp xác thất bại, còn có một thân xác dự phòng đứng (hoặc ngồi) cạnh bên.

Những bức tượng Ka, dù được tạo ra dựa trên những đặc điểm của pharaoh, cũng đã được lý tưởng hóa; đó là những tượng toàn thân, nhấn mạnh tuổi xuân và sức khỏe dồi dào - vì vậy không được có vết lõm, khuyết tật, sẹo, hay nếp nhăn. Phải, sự thôi thúc của “nghệ thuật phun sơn” đã bắt đầu cách đây rất lâu và cho linh hồn của các pharaoh một vật chứa hoàn hảo và an toàn vĩnh cửu.

Duy trì được sự vĩnh cửu là một nhiệm vụ nặng nề cho các tác phẩm của người nghệ sĩ. Đối với những nhà điêu khắc Ai Cập, quan điểm về “hình thức vị công năng” được bộc lộ ở đây. Hình thức của một bức tượng Ka trong tư thế đứng có hình khối chữ nhật, với nhân vật vẫn dính liền vào phiến đá phía sau; một tảng đá nguyên khối không dễ gì bị lật. Người ta đã dùng các loại đá phiến sét (slate) và đá diorite cứng nhất (và mắc nhất).

Và pharaoh được tạo dáng với đôi tay nắm chặt, cánh tay thả xuống bên hông, hướng về phía trước một cách cứng nhắc. Phần đá nối cánh tay với thân trên và hai chân với nhau. Các pharaoh muốn trường tồn mãi mãi với những bộ phận phải còn nguyên vẹn.

Tượng Menkaure và Hoàng hậu Khamerernebty, 2548–2530 trước Công nguyên. Ảnh: Khan Academy.

Xem tượng Menkaure và Hoàng hậu Khamerernebty, 2548-2530 trước Công nguyên.

Thoạt nhìn, Khamerernebty là một hoàng hậu khả ái. Nhưng thay vì miêu tả cảnh tượng của đôi lứa yêu nhau, bức tượng Ka này lại hé lộ địa vị cao quý của người phụ nữ trong một xã hội Ai Cập phân đẳng cấp. Phụ nữ cũng có những quyền pháp định tương tự đàn ông có cùng địa vị xã hội - có thể sở hữu tài sản và thảo các hợp đồng hợp pháp. Và chính hoàng hậu mới là người thuộc dòng dõi thừa kế ngai vàng.

Với bức tượng Menkaure và Hoàng hậu Khamerernebty, ta được chứng kiến cảnh tiến cử vị pharaoh. Hoàng hậu, tiết chế trong cảm xúc và quyền quý trong tư thế, tôn Menkaure lên làm vua. Nàng thừa nhận vương quyền của Menkaure bằng cách đặt tay mình quanh người vị hoàng đế, như muốn nói rằng, “Đây là người đứng đầu của các ngươi!”.

Với những thường dân Ai Cập, hình ảnh pharaoh được khắc trên đá rất dễ nhận diện - đó là một điều tốt, bởi ông ta hiếm khi xuất hiện trước dân chúng. Nếu nhân vật nam vận một chiếc váy xếp nếp, đeo một bộ râu giả dùng trong các nghi lễ (được cho là một đặc tính thiêng liêng của thần linh) và đội một chiếc mũ Nemes (yếu tố này làm phần đầu của nhân vật to ra rất nhiều), bạn biết ngay rằng mình đang nhìn thấy chân dung người đàn ông quyền lực nhất còn sống.

Theo Nguồn baomoi.com

Niềm tin vào kiếp sau của người Ai Cập cổ đại - Cuộc Sống