Nên làm gì để trở thành những bậc cha mẹ tốt?

08/02/2023 14:24
Katherine Lee, nhà báo nổi tiếng nước Mỹ, vừa có bài viết thú vị về vấn đề: "Điểm chung của những bậc cha mẹ tốt là gì?". Katherine Lee, là nhà văn, nhà báo thường xuyên xuất hiện trên đài phát thanh và truyền hình Mỹ để thảo luận về nhiều chủ đề nuôi dạy con cái.

 

Katherine từng làm biên tập viên cho tạp chí Parenting and Working Mother. Cô là cây bút quen thuộc của hàng loạt tạp chí, trang tin nổi tiếng như What to Expect, Parenting, Working Mother, Wondertime, Ladies' Home Journal, EverydayHealth, Spring và Verywell.

Nên làm gì để trở thành những bậc cha mẹ tốt?

Katherine thường làm việc với các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia phát triển trẻ em hàng đầu nước Mỹ. Cô cũng lập một trang web dành cho các bậc cha mẹ muốn cùng trẻ làm đồ thủ công vui nhộn. Nữ nhà báo là một trong những đầu bếp nổi bật của Two Busy Moms Gourmet, một trang web có các công thức nấu ăn nhanh và dễ dàng dành cho các bậc cha mẹ bận rộn.

Trong bài viết mới, Katherine Lee cho biết, những đặc điểm của các bậc cha mẹ tốt không phải là cố định hay tuyệt đối bởi mỗi người có thói quen và cách nuôi dạy con cái khác nhau. Tuy nhiên, Katherine Lee chia sẻ, những đặc điểm và thói quen dưới đây sẽ được tìm thấy ở những bậc cha mẹ đang thực hành các kỹ năng làm cha mẹ tốt.

Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và mỗi bậc cha mẹ cũng vậy. Mỗi gia đình đều có những nhu cầu và hoàn cảnh riêng. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em sẽ được hưởng lợi từ những bậc cha mẹ luôn cố gắng chăm sóc, quan tâm và yêu thương con vô điều kiện đồng thời cũng đặt ra những kỳ vọng, quy tắc nhất định đối với con của mình.

Nhiều bậc cha mẹ khi muốn con mình thành công sẽ thúc ép, yêu cầu hoặc thậm chí đe dọa trẻ bằng hình phạt để bắt con tập chơi một loại nhạc cụ, xuất sắc trong một môn thể thao, đạt điểm cao nhất trong học tập…

Thực tế là, việc trở thành những ông bố, bà mẹ nghiêm khắc không hẳn sẽ có khả năng giúp con bạn tiến xa hơn, gặt hái nhiều thành tích hơn. Thay vào đó, bố mẹ nên hỗ trợ con và nhẹ nhàng thúc giục nếu và khi chúng cần.

Là cha mẹ tốt, bạn nên biết rằng điều quan trọng là nên để con trẻ tự làm mọi việc. Cho dù đó là làm bài tập, công việc nhà hay kết bạn. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm với tư cách là cha mẹ là hướng dẫn con cái để chúng có thể tự giải quyết mọi việc.

Ví dụ, cha mẹ không nên làm bài tập về nhà cho con hoặc đưa con đến khu vui chơi và ra lệnh chính xác cho trẻ chơi gì và chơi như thế nào. Nếu bạn chỉ hướng dẫn con làm bài tập về nhà hoặc giải quyết vấn đề với bạn bè một cách tôn trọng, thì bạn đang trao cho con những công cụ tốt cho tương lai.

Trẻ em nhìn vào các hình mẫu trong môi trường sống của chúng để tìm hiểu điều gì được chấp nhận và điều gì không. Bởi vì trẻ em được tiếp xúc với cha mẹ nhiều nhất, nên việc cha mẹ làm gương cho con là rất quan trọng.

Nếu chúng ta muốn con mình trở nên tử tế, biết cảm thông và cư xử đúng mực khi chúng lớn lên thì chúng ta phải cố gắng cư xử đúng mực nhất và luôn tỏ ra tôn trọng người khác.

Bố mẹ là hình mẫu tốt cũng cho phép trẻ học những hành vi tích cực. Ví dụ, sẽ có lợi cho trẻ khi thấy bố mẹ thể hiện các kỹ năng giao tiếp lành mạnh và giải quyết xung đột bằng hành động cụ thể.

Cùng với việc làm gương tốt cho con, bố mẹ cũng không nên tỏ ra xấu tính, cay nghiệt hoặc không tử tế với bất cứ ai. Cha mẹ có thể thỉnh thoảng mất bình tĩnh hoặc la hét nhưng xúc phạm, làm nhục hoặc coi thường người khác không bao giờ là một cách tốt để dạy bất cứ điều gì bởi không ai muốn được đối xử như vậy.

Cha mẹ tốt biết rằng tất cả các bậc cha mẹ đôi khi có thể phạm sai lầm nhưng họ sẽ học hỏi, rút kinh nghiệm từ sai lầm đó và chỉ cho con cái biết cách chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Bạn có thể dạy con mình thừa nhận những điều chúng đã làm sai bằng cách chính bản thân bạn không ngại xin lỗi khi phạm sai lầm. Có thể bạn nghĩ nói lời xin lỗi sẽ khiến các bậc cha mẹ "giảm giá trị" nhưng không phải vậy. Đừng xin lỗi nửa vời theo tư thế "bề trên", điều đó sẽ khiến lời xin lỗi của bạn phản tác dụng.

Kỷ luật (không phải trừng phạt) không chỉ là một trong những điều tốt nhất bạn có thể dạy con mà còn là cách để đảm bảo rằng bạn đang nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc hơn khi chúng lớn lên.

Tại sao việc kỷ luật con cái lại quan trọng đến vậy? Bởi những đứa trẻ không có kỷ luật nhiều khả năng trở nên hư hỏng, vô ơn, tham lam và không ngạc nhiên khi chúng gặp khó khăn trong việc kết bạn và khó có hạnh phúc sau này trong cuộc sống.

Bố mẹ nên nhìn nhận và đánh giá con đúng với con người thật của chúng chứ không phải con người mà bạn đang hy vọng chúng sẽ trở thành. Bạn có thể muốn con bạn trở thành cầu thủ bóng đá nhưng nếu con bạn không thích thể thao và chỉ muốn ở nhà đọc sách, bạn hãy chấp nhận điều đó.

Thật tuyệt khi khuyến khích trẻ em thử những thứ mới mẻ. Trẻ con cần khám phá cuộc sống theo những cách đa dạng, nhất là khi những đứa trẻ vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu xem chúng là ai và chúng muốn gì.

Tuy nhiên điều quan trọng là cha mẹ phải chắc chắn rằng họ đang thúc giục, khuyến khích con vì những lý do chính đáng mà con nên thử khám phá cái mới chứ không phải "chỉ vì cha mẹ muốn nên con phải làm".

Mỗi ngày, bạn nên biết con bạn đang làm gì, gặp ai, bạn của con bạn là ai, cha mẹ bạn thân của con là người như thế nào…

Khi nuôi dạy con, việc bạn quan tâm tới cuộc sống xung quanh con không chỉ quan trọng đối với sự an toàn của con bạn mà còn là một cách tốt để bạn nắm được những gì con sẽ làm và gặp phải khi chúng ở xa bạn.

Cha mẹ nên dạy trẻ cư xử tử tế, tôn trọng người khác, làm từ thiện, biết ơn về những gì chúng có và đồng cảm với người khác.

Tất nhiên là tất cả chúng ta đều muốn con mình đạt điểm cao, giành giải thưởng và nhận lời khen ngợi về âm nhạc, thể thao và các hoạt động khác đồng thời thành công sau này trong cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất về một con người lại là: "Đó là người như thế nào?".

Nếu bạn quên dạy con cách trở thành đứa trẻ ngoan và người tốt, chúng sẽ ít có khả năng hạnh phúc và mãn nguyện, bất kể chúng đạt được điều gì và thành công đến mức nào trong cuộc sống sau này.

Dù công việc của bạn có bận rộn tới mấy cũng đừng quên dành thời gian cho con mỗi ngày. Bạn có thể cùng con chơi cờ, đi xe đạp, nấu ăn, xem phim hoặc đọc sách. Những bậc cha mẹ tốt dành thời gian ở bên con một cách vui vẻ và thoải mái, kết nối với con cái trong mọi phương diện có thể.

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian nói chuyện với con cái mỗi ngày. Thực hành thói quen lắng nghe con, quan tâm tới con mỗi ngày, bạn sẽ ngạc nhiên bởi bạn sẽ thấy được kết nối với con mình nhiều hơn và bạn có thể sẽ hiểu được những điều mà con bạn đang suy nghĩ và cảm nhận.

Khi lắng nghe con, bạn đang xác nhận với con rằng bạn hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của chúng. Việc lắng nghe con cái cũng cho con bạn thấy rằng chúng quan trọng đối với bạn và giúp xây dựng mối liên kết bền chặt hơn giữa bố mẹ và con cái.

Lắng nghe con sẽ giúp chúng phát triển quan niệm lành mạnh về bản thân cũng như cho chúng thấy rằng việc lắng nghe người khác là rất quan trọng.

Dù gì bạn vẫn là cha mẹ và vì thế, đôi khi con cái có thể tức giận với bạn. Bạn không cần phải quá căng thẳng. Hãy để con thất bại đôi lần. Nếu không, làm sao bạn có thể mong đợi con học được cách đương đầu với những thăng trầm trong cuộc sống? Không ai thành công ở tất cả mọi thứ. Đôi khi, con bạn phải thất bại để thành công.

Trẻ học hỏi từ bố mẹ. Nếu bạn ngược đãi hoặc đánh con sẽ chỉ dạy chúng cách xử lý xung đột bằng sự hung hăng và ác ý. Nếu bạn cảm thấy cực kỳ tức giận với con, hãy ra chỗ khác và khi bình tĩnh mới quay lại nói chuyện với con. Nếu bạn mất bình tĩnh, hãy thừa nhận mình đã sai và nói rõ rằng, bạn ước mình đã không làm như vậy.

Khi con bạn bước sang tuổi thiếu niên, đừng để bị cuốn hút vào các tiểu tiết bằng cách tập trung quá nhiều vào các hành vi và tâm trạng hàng ngày của con bạn. Hãy nhớ rằng con bạn đang dần trưởng thành và chúng có quyền quyết định về cuộc sống cá nhân. Bạn càng tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ dân chủ với con thì đứa con sắp trưởng thành của bạn sẽ càng thích và đánh giá cao vai trò của cha mẹ.

Thay vì cha mẹ phải trừng phạt con vì những lỗi lầm hoặc hành vi sai trái. Hãy để cuộc sống diễn ra theo cách của nó.

Ví dụ, con bạn không chịu mặc áo khoác ra ngoài trong trời mùa đông, hãy để trẻ trải nghiệm cảm giác lạnh giá; Con không sắp xếp đồ chơi, để chúng gặp khó khăn khi tìm món đồ chơi như ý; Con bỏ ăn sáng khi đi học, để con chịu đói và hiểu giá trị của bữa sáng.

Giải quyết vấn đề là điều cần thiết để con trẻ phát triển hành vi có trách nhiệm, tôn trọng người khác. Hình phạt là một chiến thuật thao túng cưỡng chế được sử dụng để khiến trẻ làm những gì chúng ta muốn. Tuy nhiên nó không giúp phát triển tính cách và sự đồng cảm.

Thực tế, đó là một phần của việc tạo ra những kẻ bắt nạt. Trẻ em không học được điều gì tốt đẹp thông qua sự sợ hãi và ép buộc. Khi con có hành vi sai trái, bố mẹ nên hiểu rằng con cái đang gặp vấn đề chứ con cái không phải là vấn đề.

Ảnh: Getty Images, Pexels, iStock, Shutterstock

Theo Nguồn dantri.com.vn

Nên làm gì để trở thành những bậc cha mẹ tốt? - Cuộc Sống