Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT gửi gửi lời tri ân Chính phủ, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã cho FPT 100 ngày "giải cứu" nghẽn lệnh HoSE.
“Nhờ 100 ngày giải cứu đó đem lại cái nhìn mới về FPT, từ ngày đó, cổ phiếu FPT liên tục tăng trưởng” lãnh đạo FPT chia sẻ.
Trước đó, từ cuối quý IV/2020, hệ thống giao dịch của HoSE thường xuyên đơ, nghẽn lệnh. Nhiều thời điểm, nhà đầu tư không nắm được quan hệ cung cầu trong giao dịch hay mua bán.
Sau đó, đầu năm 2021, chính ông Trương Gia Bình đề xuất với Chính phủ để doanh nghiệp xử lý lỗi kỹ thuật ở HoSE.
Thật vậy, sau nhiều năm tăng trưởng bền bỉ, kết phiên ngày 29/2/2024, thị giá FPT lập đỉnh ở mức 109.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3,1 lần so với đầu năm 2021.
Cú bứt phá đẩy giá trị vốn hóa của FPT chạm mốc 137.664 tỷ đồng (5,6 tỷ USD), tăng 15.700 tỷ đồng từ đầu năm 2024. Con số này cũng đưa FPT tiến sát top 10 doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán sau nhiều năm vắng bóng.
Cổ phiếu FPT tăng mạnh, cũng khiến tài sản Chủ tịch Trương Gia Bình tăng 1.113 tỷ đồng kể từ đầu năm lên 9.671,57 tỷ đồng khi kết thúc phiên giao dịch ngày 29/2.
Diễn biến giao dịch của cổ phiếu FPT từ đầu năm 2023 đến nay (Nguồn: TradingView)
Trong 10 năm trở lại đây, giá trị vốn hoá của ông lớn công nghệ này liên tục tăng trưởng, chỉ duy nhất năm 2018 ngược dòng đi lùi. Hiện vốn hoá của FPT đã tăng gấp 11 lần sau 10 năm, tương đương mức tăng trưởng kép gần 27%/năm.
Đà tăng của FPT được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm. Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của FPT kể từ khi hoạt động.
Năm 2023, doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đạt 24.288 tỷ đồng (1 tỷ USD), tăng 28,4%, nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ đến từ thị trường Nhật Bản tăng 43,4% và châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tăng 37,7%.
Doanh thu ký mới của mảng công nghệ thông tin nước ngoài đạt 29.777 tỷ đồng, tăng 37,6%, trong đó có 37 dự án với quy mô trên 5 triệu USD. FPT đặt mục tiêu doanh thu mảng công nghệ thông tin nước ngoài đạt 5 tỷ USD vào năm 2030 (tương đương mức tăng trưởng kép 26% trong giai đoạn 2024 - 2030).
Theo dự báo từ CTCP Chứng khoán Tp.HCM (HSC), cổ phiếu FPT đang giao dịch với P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) trượt dự phóng 1 năm là 17,1 lần, cao hơn 1 độ lệch chuẩn so với bình quân từ tháng 1/2021 ở mức 15,6 lần nhưng vẫn thấp hơn 27% so với bình quân các công ty cùng ngành là 21,6 lần.
HSC nhấn mạnh, triển vọng lợi nhuận của FPT vẫn rất mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Công ty sẽ hưởng lợi từ xu hướng công nghệ mới nhất (AI tạo sinh và phương tiện kết nối) nên chúng tôi tin rằng nhu cầu sẽ mang tính cấu trúc và bền vững trong thời gian dài. HSC kỳ vọng FPT sẽ được định giá lại ở mặt bằng cao hơn.
Còn phía Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là lớn nhờ dư địa nhiều cho phát triển. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.
“Với những triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhóm công nghệ thông tin vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cổ phiếu FPT, bởi đây là doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số và đang đầu tư mạnh mẽ vào Trung tâm dữ liệu”, KBSV dự báo.
KBSV cũng nhấn mạnh, tuỳ theo khẩu vị đầu tư, mỗi nhịp điều chỉnh sâu của cổ phiếu sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư tích luỹ với tầm nhìn đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro cần chú ý khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin sẽ bao gồm tăng trưởng không như kỳ vọng do ảnh hưởng diễn biến của bối cảnh vĩ mô hoặc các dự án đầu tư bị chậm tiến độ.