23 tuổi, cao chưa đến 70cm
Dù đã ngoài đôi mươi nhưng do mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, Nguyễn Thùy Trang (23 tuổi, quê Đồng Tháp) vẫn mang hình hài như một đứa trẻ. Trang cao chưa đến 70cm. Mọi sinh hoạt hàng ngày của Trang đều phụ thuộc vào người thân.
Không khuất phục số phận, Trang cố gắng vươn lên. Cô tự học nghề làm hoa giấy thủ công và chăm chỉ làm thiện nguyện. Cô gái này còn là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh.
Thùy Trang sống kiên cường dù mắc phải căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh.
Bà Võ Xuân Lan, mẹ ruột của Trang kể trong chương trình Gõ cửa thăm nhà: “Lúc sinh Trang, tôi bị băng huyết nên phải nằm trong phòng hồi sức cả tuần lễ. Trang lúc đó rất yếu nên tôi gửi cho chị Nguyễn Thị Xuân (thường gọi là dì Hai) chăm sóc thay”.
Sau 3 tháng, bệnh tình của bà Lan dần thuyên giảm. Vợ chồng bà đến nhà của dì Hai đón Trang về. Thế nhưng, trong những ngày ở nhà với mẹ, Trang khóc liên tục, người yếu ớt thấy rõ. Xót con, bà Lan đành gửi Trang cho dì Hai tiếp tục nuôi dưỡng, còn mình thường lui tới thăm nom. Cũng trong khoảng thời gian này, bà nhận thấy con gái có sự phát triển không bình thường, tay chân không thẳng như những đứa trẻ khác.
Lo lắng, bà Lan đưa con đi khám ở một bệnh viện tại TP.HCM. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Trang mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh và không có cách nào chữa trị.
“Bác sĩ khuyên gia đình phải chăm sóc Trang thật cẩn thận, tránh làm gãy xương. Tôi và dì Hai nhẹ nhàng hết cỡ nhưng rồi con bé vẫn bị gãy xương”, bà Lan nghẹn lời.
Tiếp lời mẹ, Trang tâm sự: “Lúc còn nhỏ, tôi chỉ cần ho hay hắt xì cũng sẽ bị gãy xương. Tất cả các nơi có xương gần như bị gãy hết. Mỗi lần gãy như vậy là phải nằm bất động mấy tháng liền chờ lành. Cái cảm giác đó không thể gọi là đau mà nó thực sự khủng khiếp”.
Hai người phụ nữ làm điểm tựa vững chắc cho cuộc đời của cô gái trẻ.
Khoảng 5 - 6 tuổi, Thuỳ Trang đã bắt đầu nhận thức được những điều không bình thường của cơ thể. Cảm giác mặc cảm, tự ti từ đó luôn quấn lấy Trang.
Cô gái nhỏ nhận thấy cơ thể của mình quá mong manh và chạnh lòng khi nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa vui vẻ đến trường. Trang cũng đau đớn khi nghe mọi người bàn tán về khiếm khuyết của mình.
“Họ nói nhìn tôi tật nguyền đáng sợ vậy sao ba mẹ không bỏ đi mà còn nuôi làm gì. Tôi đau lắm”, Trang ứa nước mắt.
Thùy Trang nhiều lần nghĩ đến những điều tiêu cực mà khủng khiếp nhất là “bây giờ mình chết đi chắc cũng không có gì luyến tiếc”.
Nhưng rồi, giữa dòng suy nghĩ hỗn độn đó, Trang nhớ người thân và tình yêu thương xung quanh. Như xương rồng giữa sa mạc đầy khắc nghiệt, cô lại mạnh mẽ vực dậy tinh thần và tiếp tục hành trình.
Người mẹ thứ hai
Có lẽ may mắn nhất của cuộc đời Trang là gặp được dì Hai, người không ruột rà nhưng lại cùng cô gái trải qua bao giông bão. Ngoài mẹ, dì Hai là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp Trang vượt qua những thời điểm nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.
Dì Hai là một tu sĩ. Bà tu tập tại gia, ăn chay trường. Thế nên khi sống với dì Hai, Trang cũng tập ăn chay từ nhỏ. Mỗi lẫn thử ăn đồ mặn, Trang đều nôn ói, phải đi bệnh viện.
Thùy Trang xem dì Hai như người mẹ thứ hai của mình.
Một lần, nghe lời người khác chỉ, bà Lan nấu súp xương cho Trang uống. Bà hy vọng món ăn này sẽ giúp xương Trang chắc hơn. Không ngờ lần đó, Trang nhập viện, tưởng đã không qua khỏi.
Nhớ lại kỷ niệm 23 năm chăm sóc Trang, dì Hai bộc bạch: “Tôi mang vác cái gì cũng thấy nặng. Vậy mà, khi bế Trang, tôi thấy nhẹ vô cùng. Mỗi lần Trang đi làm từ thiện, tôi bế con bé suốt mấy trăm km trên xe máy nhưng vẫn không thấy mệt. Từ ngày có Trang, tôi thấy cuộc sống vui lên nhiều lắm”.
Những lần Trang bệnh, nửa đêm, dì Hai vẫn gõ từng cửa tiệm, mua thuốc về cho cô uống.
Trong một chuyến từ thiện ở Trà Vinh, Trang bị té khỏi xe lăn, gãy lìa xương. Lúc đó không có gì để băng bó, dì Hai ôm chỗ gãy xương của Trang, leo lên xe máy cho người ta chở đến nơi băng bó cách đó hơn 200km.
“Trên xe, dì Hai cứ nói 'ráng lên con, sắp về tới nhà rồi' nên tôi không thấy đau gì hết. Tôi vượt qua được cơn đau đó đều nhờ lời động viên của dì. Dì như người mẹ thứ hai của cuộc đời tôi”, Trang chia sẻ.
Biết mọi người yêu thương, lo lắng cho mình, Trang luôn cố chịu đựng và thường khóc một mình. Mỗi lần gãy xương, dù rất đau nhưng cô luôn nằm im trên giường, càng đau cô càng im lặng.
Mẹ và dì Hai đều ngạc nhiên khi nghe Trang bộc bạch về những suy nghĩ tiêu cực mà cô từng nghĩ đến. Bởi, cô chưa từng để lộ tâm tư ấy cho những người xung quanh hay biết.
Nghe con chia sẻ, bà Lan rưng rưng nói: “Ước gì con khoẻ mạnh thì đổi gì tôi cũng đổi. Mấy lần ngủ mơ thấy con đi được, tôi dắt nó đi mua giày, mua áo đầm. Tôi mừng khủng khiếp, vậy mà mở mắt hoá ra mình nằm mơ”.
Khi được hỏi về một niềm mong ước, Thuỳ Trang cho biết: “Tôi có một nhóm bạn đều bị xương thuỷ tinh. Các bạn đều không có công việc ổn định. Chúng tôi ở đó để truyền năng lượng tích cực, dạy nghề, tâm sự… với nhau. Từ đó, chúng tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn”.
Cô gái ăn chay trường và thường xuyên tham gia các công tác thiện nguyện.
Trải qua bao đau đớn, Thùy Trang đồng cảm sâu sắc với nỗi đau và sự khó khăn của những người đồng cảnh ngộ. Do đó, cô muốn giúp đỡ, lan tỏa tình thương đó đến những hoàn cảnh khó khăn khác.
Hiện tại, Thuỳ Trang đang sở hữu cửa tiệm Vườn của Mộc, chuyên làm hoa giấy thủ công. Cách đây 5 năm, cô học cách làm hoa giấy trên mạng xã hội.
Khoảng 3 năm gần đây, Trang bắt đầu bán những sản phẩm mà mình làm ra. Công việc này không chỉ giúp cô có thêm thu nhập, mà còn là đam mê, niềm tin của cô gái có nghị lực sống phi thường. Đó cũng là thông điệp mà Trang muốn gửi gắm đến những người đồng cảnh ngộ.