Cha mẹ học cách tôn trọng con

07/09/2022 11:03
VOV.VN - Có khái niệm “con nhà người ta’ thì cũng sẽ có khái niệm “cha mẹ nhà người ta”. Lắng nghe con, tôn trọng con, đối xử với con như người bạn chính là yêu thương con bằng trí tuệ đến từ tâm của chính cha mẹ.

 

Yêu thương con, đáp ứng mọi yêu cầu của con là chưa đủ. Yêu và tôn trọng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nhiều phụ huynh tự cho rằng “tôi luôn yêu thương con hết mực, đáp ứng mọi nhu cầu của con nhưng vẫn nhận lại những điều không như ý muốn”.

Yêu thương thôi chưa đủ mà chúng ta, những bậc làm cha, mẹ cần phải lắng nghe những ý kiến, suy nghĩ của con, tôn trọng những quyết định của con. Nhiều khi bố mẹ nghĩ các con còn bé, chúng chưa có quyền quyết định, mọi việc từ học hành, vui chơi đều phải nhất nhất nghe theo người lớn.

Xã hội càng hiện đại, đời sống càng nâng cao thì nhu cầu của mỗi người đểu bám theo quy trình đó. Với mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, thành công, giàu có mà cha mẹ nào cũng hướng con cái phải học đủ mọi thứ. Học trong trường, học thêm cá môn toán, lý, hóa, anh, văn…học nhạc, học vẽ, học kỹ năng nói trước đám đông, học nấu ăn, học may vá….Chỉ cần liệt kê sự học ngay người lớn cũng đủ thấy chóng mặt, vậy mà bọn trẻ đang phải thực hiện những mong muốn đó của bố mẹ.

Mỗi khi muốn các con học và làm theo ý mình, người lớn chúng ta đã ngồi nói chuyện nghiêm túc với con trẻ về ý kiến của chúng khi phải thực hiện những việc đó chưa?. Những buổi nói chuyện đó sẽ khiến con mình thấy được tôn trọng và cảm nhận được lúc này bố mẹ không phải là bậc bề trên mà là một người bạn thực sự, thấu hiểu và lắng nghe.

Bố mẹ cũng hãy tôn trọng sự khác biệt của con cái. Người lớn chúng ta hãy xóa bỏ khái niệm “con nhà người ta”. Trẻ con hay người lớn đều không thích cách so sách mình với bất cứ ai. Con nhà người ta chỉ có thể hiện lên cái hoàn hảo còn cái thiếu sót mấy ai biết được nên đừng cố tình dìm con mình vào hình ảnh con nhà ai đó. Con mình là con mình, chúng là những đứa trẻ độc lập, có suy nghĩ, có chính kiến, có sở thích, có ước mơ riêng. Chỉ là cha mẹ có biết khơi gợi những tiềm năng đó không mà thôi.

Đừng lúc nào cũng nghiêm khắc yêu cầu con “phải học”. “phải đạt điểm cao”, phải thế này, phải thế kia…hãy hỏi con những câu hỏi như “hôm nay ở lớp con có chuyện gì vui không?”, “ngày cuối tuần con thích được làm gì?”, “học nhạc cũng rất khó nhưng con thử khám phá tiềm năng của chính bản thân mình xem như thế nảo”, “mẹ nghĩ con chưa tập trung thôi, chứ nếu con mà tập trung thì kết quả sẽ rất khác, mẹ tin chắc chắn như vậy”…Hãy dành cho con những câu hỏi để tôn trọng con. Hãy nói với con những câu nói đầy khích lệ để con thấy rằng mình là người quan trọng và được bố mẹ tin tưởng. Hãy nói những câu khẳng định về thế mạnh của con để con không cảm thấy mất tự tin.

Người lớn đừng nghĩ các con mình còn bé, mà hãy luôn coi chúng là người bạn, có thể chia sẻ mọi chuyện trong gia đình. Nhiều lúc mệt mỏi trong công việc bố mẹ cũng có thể chia sẻ với các con 1 phần để chúng hiểu rằng, mọi thứ trên cuộc đời này không có gì là dễ dàng, bố mẹ đang rất cố gắng và cần sự chia sẻ từ các con.

Cha mẹ học cách tôn trọng con

ảnh minh họa

Chị Hoa Linh ở Hà Nội chia sẻ, việc tâm sự với con cái hàng ngày là điều rất bổ ích. Chị luôn tôn trọng mọi ý kiến cũng như quyết định của các con. Chính vì thế hai cậu con trai của chị luôn tâm sự với mẹ mọi chuyện từ nhỏ đến lớn. Các con thích bạn nào cũng để kể hết với mẹ. Dù chưa đến tuổi yêu đương nhưng khi con nói về tình yêu, chị Linh không cấm con mà phân tích nhẹ nhàng. Chị hiểu đó chỉ là cảm xúc nhất thời của trẻ con rồi sẽ trôi qua rất nhanh.

Tuy nhiên, phương châm “luôn luôn lắng nghe con” nhưng không phải là nuông chiều, phải có ranh giới. Cha mẹ luôn phải để các con hiểu được rằng, bố mẹ đang rất quan tâm, tôn trọng mình, là người bạn của mình nhưng bố mẹ vẫn là bố mẹ là người lớn trong gia đình. Dù tôn trọng ý kiến của con những cha mẹ phải khéo léo phân tích những ý kiến đó đúng sai chỗ nào, có nên thực hiện hay không.

“Đừng đem cái quyền àm cha, làm mẹ ra để răn đe con cái”, đó là suy nghĩ lỗi thời. Chính cha mẹ cũng nên tự thay đổi bản thân, suy nghĩ cổ hủ đó. Thất bại lớn nhất của cha mẹ là không biết để bản thân lắng nghe con. Khi nhận được những tín hiệu tốt đó từ cha mẹ, các con sẽ cởi mở nói cho cha mẹ biết nhu cầu của mình là gì, bản thân mong muốn được quan tâm, lắng nghe ra sao.

Có khái niệm “con nhà người ta’ thì cũng sẽ có “cha mẹ nhà người ta”. Lắng nghe con, tôn trọng con, đối xử với con như người bạn chính là yêu thương con bằng trí tuệ đến từ tâm của chính cha mẹ./.

Theo Nguồn vov.vn

Cha mẹ học cách tôn trọng con - Cuộc Sống