Năm 2016, ở tuổi 29, đang công tác tại Phòng Tài nguyên - Môi trường Q.12, chị Nhâm được chẩn đoán bị viêm cầu thận. Theo hướng dẫn của bác sĩ, chị thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập yoga và uống thuốc đều đặn. Tuy nhiên, sức khỏe vẫn ngày càng xấu đi. Đến tháng 5/2019, chị phải điều trị thay huyết tương, tiếp theo là chạy thận ba ngày mỗi tuần do tình trạng suy thận đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Chị Nhâm (bên trái) sau ca phẫu thuật ghép thận hồi tháng 6/2020 |
Quê chị Nhâm ở H.Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Chị là con gái đầu trong gia đình nông dân có ba chị em. Năm 16 tuổi, chị khăn gói vào TP.HCM, ở nhờ nhà người quen để theo học bổ túc văn hóa. Hết cấp III, chị vào học trung cấp kế toán rồi học tiếp lên đại học - chuyên ngành luật. Giữa lúc tương lai đang tươi sáng thì tai ương ập đến. Nhớ lại thời điểm tháng 10/2019, khi nghe bệnh viện thông báo cần phải ghép thận, chị chới với và có lúc đã nghĩ quẩn. “Chi phí ghép thận lên đến hơn 500 triệu đồng khiến tôi choáng váng, cảm giác mình là gánh nặng quá lớn của gia đình. Ba tôi đã bỏ hết công việc ngoài quê để vào động viên tôi nhất định phải sống. Ông bà bảo sẽ vay mượn để lo cho tôi bằng mọi giá. Riêng quả thận, cả ba và em trai út đều giành hy sinh cho tôi. Cuối cùng, ba là người vào phòng phẫu thuật, ông rất kiên quyết” - chị Nhâm chia sẻ.
Cho đi một quả thận khi tuổi đời đã ngấp nghé 60, ông Nguyễn Văn Cần, cha chị Nhâm, đã thật sự bước vào một cuộc chiến. Nỗi lo về món nợ khổng lồ, cộng với sức khỏe bắt đầu suy giảm, ông hầu như không ngủ được, ăn uống cầm chừng suốt một năm trời. Theo lời khuyên của bác sĩ, gia đình đưa ông về quê, hy vọng được gần với ruộng vườn, bà con hàng xóm, ông sẽ khuây khỏa dần. Gần đây, ông Cần đã trở lại TP.HCM, đi phụ hồ cho các công trình xây dựng. Nhâm ngậm ngùi: “Mỗi lần nhìn ba, tôi lại nhắc mình phải thật kiên cường và hạnh phúc. Đó không chỉ là đạo hiếu của một đứa con mà còn là trách nhiệm với sự sống mà ba đã hy sinh cho mình”.
Điều chị Nhâm không thể ngờ là chị đã gặp được tình yêu ngay trong những tháng ngày chông chênh nhất. Là bạn cũ, khi hay tin chị bệnh, anh Nguyễn Quốc Đạt đã chủ động liên lạc, hỏi thăm. Rồi anh vào bệnh viện chăm sóc Nhâm và chở chị đi tái khám trong nhiều tháng sau đó. Đến đầu năm 2021, họ nên duyênvợ chồng.
Tại tiệm bánh của mình, chị Nhâm (trái) trao đổi với chị Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN P.Thới An |
Sức khỏe yếu, hằng tháng phải vào bệnh viện để kiểm tra và uống thuốc chống đào thải thận ghép suốt đời, nhưng ước mơ mở một tiệm bánh nơi chị Nhâm thì cứ lớn dần. Biết hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN P.Thới An, Q.12 - đã động viên và đăng ký cho chị Nhâm theo học lớp Kỹ thuật làm bánh do quận Hội tổ chức. Đến khi nghe chị Nhâm tâm sự muốn thuê mặt bằng mở tiệm, chị Thu Hà lại vận động chị em góp tiền mua tặng tủ trưng bày sản phẩm. Tiệm bánh gói gọn trong gần 15m2, ngoài chiếc tủ được tặng, mọi thứ còn lại như bàn làm bánh, kệ đựng ly đều do hai vợ chồng mày mò tự đóng lấy. Còn mới nên khách hàng của tiệm chủ yếu là người quen, đồng nghiệp cũ và chị em nhà Hội, nhưng chị Nhâm rất vui khi ước mơ đã thành. Từng ngày, vợ chồng chị sẽ luôn nỗ lực để cuộc sống riêng lẫn việc kinh doanh tốt hơn.
Thảo Nguyên
Lớp sơ cấp “Kỹ thuật làm bánh” do Hội LHPN Q.12 tổ chức, giáo viên Trường trung cấp Lê Thị Riêng trực tiếp giảng dạy, vừa được bế giảng vào sáng 11/9 vừa qua. Chương trình học tập kéo dài 3,5 tháng. 30 học viên của lớp đều là những chị có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, phụ nữ khuyết tật có mong muốn học nghề. Sau khóa học, học viên có thể tự tay làm được nhiều loại bánh như pa-tê sô, su kem, bánh in, bánh Trung thu, bánh bông lan trứng muối… |