Đến làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) nằm cách TP.Huế khoảng 40 km về phía Bắc, hỏi người dân địa phương ai cũng có thể chỉ đường hoặc dẫn du khách đến cây thị trên 600 tuổi.
Vốn đã được nhiều người biết đến, ngày 5/6/2015, UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây thị này khiến sức hút của nó ngày càng lớn hơn.
Cây thị tại làng cổ Phước Tích có tuổi đời trên 600 năm
Thời điểm được công nhận Cây Di sản Việt Nam, cây thị có chiều cao 25m, chu vi thân cây khoảng 6m. Với chiều cao như thế, từ xa có thể thấy tán cây thị xòe ra rất rộng với diện tích bao phủ hàng trăm mét vuông. Thân cây xù xì, tối màu mang vẻ thâm u, kỳ bí.
Thân cây theo thời gian đã có nhiều khối u sần lớn nhưng cây thị chỉ có 1 nhánh lớn vươn dài về hướng tây. Từ thân cây, những nhánh nhỏ đâm ra mạnh mẽ, tạo thành những tán lá tốt tươi.
Năm 2015 cây thị được công nhận Cây Di sản Việt Nam
Cùng những người bạn của mình đến chiêm ngưỡng cây thị cổ, anh Hà Oai (33 tuổi, ở tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, dù đi nhiều nơi, gặp nhiều cây cổ thụ, nhưng cây đã có hơn 600 năm sinh trưởng và phát triển mà đến nay vẫn còn sum suê bóng mát như thế này là rất hiếm thấy.
Đi một vòng quanh cây thị, nhiều người không khỏi bất ngờ khi phát hiện bên trong thân cây cách mặt đất chừng 40cm cho đến ngọn đã bị rỗng, tạo ra một “giếng trời” lớn.
Giải thích việc này, nhiều vị cao niên trong làng cổ Phước Tích cho hay, “giếng trời” của cây thị đã có từ xa xưa và được dùng làm căn cứ bí mật cho lực lượng cách mạng của ta hoạt động trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Ngoài giá trị sinh học, kiến trúc, trong thời kỳ kháng chiến, cây cổ thụ này còn là căn cứ hoạt động cách mạng
Theo ông Đoàn Quyết Thắng - Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, phần rỗng bên trong cây thị đủ rộng để chứa đến hàng chục người trưởng thành. Trải qua hơn 600 năm sinh trưởng và phát triển, đến nay, thân của “cụ thị” được phủ thêm nhiều u sần.
Cũng theo ông Thắng, trong khuôn viên này, ngoài cây thị còn có Miếu Cây thị được xây dựng ngay bên cạnh. Ngôi miếu này được xây bằng gạch, có tường bao quanh khuôn viên. Miếu và cây được xây dựng, trồng cùng thời điểm với nhau. Cây thị và miếu có giá trị rất lớn về văn hóa và tín ngưỡng dân gian của người dân ở đây.
Nói về việc chăm sóc, bảo vệ Cây Di sản Việt Nam này, ông Thắng cho biết, do cây đã lâu năm nên Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích phải dùng thanh sắt chắc chắn để nâng đỡ cành to, nặng. Đồng thời, đơn vị cũng luôn cử cán bộ theo dõi tình trạng của cây, nếu phát hiện sâu bệnh hay các dấu hiệu phát triển bất thường khác Ban Quản lý sẽ mời lực lượng chuyên môn đến đánh giá, tiến hành điều trị cho cây.
“Cây thị có giá trị rất lớn về mặt tinh thần với người dân trong làng cổ Phước Tích. Họ xem đây là một trong những “báu vật” của làng nên rất tích cực trong việc cùng với chúng tôi chăm sóc, bảo vệ”, ông Đoàn Quyết Thắng nói.
Nguyễn Hiền