Ngày 30-6, thông tin về kết luận thanh tra 4 công ty bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết việc bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Thanh tra tiếp 10 doanh nghiệp bảo hiểm nữa.
Khách hàng nghe tư vấn về gói bảo hiểm sức khỏe đi kèm với bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: T.T.D.
Chiều 30-6, Bộ Tài chính đã có thông cáo chính thức về kết luận thanh tra 4 công ty bảo hiểm nhân thọ.
Bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm
Cụ thể, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 công ty bảo hiểm là Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.
"Kết quả thanh tra cho thấy việc triển khai bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới" - thông cáo nêu rõ.
Một số hành vi vi phạm điển hình gồm không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp;
Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm;
Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Đây là những sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.
Các quyết định xử phạt sau khi được ban hành sẽ được công khai với báo chí và dư luận nhằm đảm bảo tính minh bạch.
Thanh tra tiếp 10 doanh nghiệp bảo hiểm nữa
Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.
Bảo đảm cao nhất việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ; ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm; có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm.
Thêm nữa, trong năm nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.
Đồng thời, đơn vị này tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường giám sát quản lý các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm…
Riêng với thị trường bảo hiểm, khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn. Đặc biệt, Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Ép khách vay mua bảo hiểm: Sẽ chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự
Để chấn chỉnh tình trạng ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm, Bộ Tài chính khẳng định trong năm nay sẽ tiếp tục thanh tra cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng phân phối bảo hiểm.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0