Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
Hôm nay (17/10), Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 -2029 chính thức khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, đề ra phương hướng, mục tiêu và các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Quang cảnh Phiên làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, ngày 16/10. Ảnh: Quang Vinh.
Huy động sức mạnh trí tuệ của các vị Ủy viên ở mọi ngành nghề, lĩnh vực
Chiều 16/10, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đã tiến hành phiên làm việc thứ nhất.
Tham dự phiên làm việc có ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX; ông Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; bà Hà Thị Khiết - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Quang Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các vị Phó Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX. Đặc biệt là sự có mặt của 1.052 đại biểu đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Đại hội tiến hành hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch gồm 55 vị, Đoàn Thư ký Đại hội gồm 5 vị; thông qua Chương trình và Quy chế làm việc của Đại hội.
Đại hội cũng thảo luận xem xét nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kiểm điểm hoạt động của UBTƯ, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024; Tờ trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX.
Góp ý vào các dự thảo báo cáo, đại biểu Đặng Văn Khoa - Đoàn TPHCM bày tỏ đồng tình khi Báo cáo kiểm điểm hoạt động của UBTƯ, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã chắt lọc được những điều cốt lõi nhất, nêu rõ những thành công và thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại hạn chế và nguyên nhân từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để chỉ ra con đường của MTTQ trong thời gian tới khi đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn lên sau 50 năm hòa bình, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên đại biểu Đặng Văn Khoa cũng bày tỏ băn khoăn khi vẫn còn những tồn tại hạn chế đã được nhận diện từ 5 năm trước, và trong nhiều Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam giờ vẫn được nhắc lại. Đó là vẫn còn chưa chủ động, quyết liệt, chưa đi đến cùng sự việc. Ông Khoa nêu vấn đề và cho rằng MTTQ là nơi nói lên tiếng nói của toàn dân cho nên chỉ khi nào Mặt trận nói lên một cách thẳng thắn quyết liệt nhất, tiếng nói của lòng dân thì sự gắn bó của nhân dân với Mặt trận sẽ bền vững lâu dài.
Ông Khoa cũng kiến nghị, trong nhiệm kỳ mới cần có cơ chế phong phú hơn, đa dạng hơn để phát huy cao nhất vai trò trách nhiệm của mỗi vị Ủy viên Ủy ban, từ đó huy động được sức mạnh trí tuệ của các vị Ủy viên ở mọi ngành nghề, mọi miền trong cả nước và người Việt Nam ở ngoài nước góp sức cùng Đoàn Chủ tịch tạo ra sức mạnh lớn lao hơn cho Mặt trận trong nhiệm kỳ mới.
Ở một góc nhìn khác, GS.VS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới đề ra 6 chương trình hành động, trong đó có chương trình nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, các vấn đề lớn của đất nước.
“Muốn nâng cao vai trò vị thế của MTTQ Việt Nam trong chương trình hành động nhiệm kỳ mới cần quan tâm đến “nâng cao công tác tư vấn, giám định xã hội và phản biện chứ không chỉ giám định xã hội và phản biện. Phản biện là rất tốt nhưng “tư vấn” mới là quan trọng. Tư vấn những vấn đề rất quan trọng bức xúc của xã hội thì mới là vấn đề cốt lõi” - ông Trần Đình Long nêu ý kiến và mong rằng trong nhiệm kỳ này Đại hội đã đưa ra khẩu hiệu “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, MTTQ Việt Nam tiếp tục tập hợp rộng rãi, đông đảo nhất đội ngũ khoa học, doanh nghiệp, nông dân. Nếu trong 1 nhiệm kỳ làm một vài nhiệm vụ lớn thì có thể tin rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ trở thành cường quốc trong thời gian rất ngắn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá IX Đỗ Văn Chiến cùng các vị trong Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: Quang Vinh.
Khẳng định vai trò nòng nốt của MTTQ để nhân dân làm chủ
Nêu ý kiến, luật sư Trương Thị Hòa - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài TPHCM, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật Ủy ban MTTQ TPHCM cho rằng, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận diện thẳng thắn khi nhận định những kết quả đã làm được và những vấn đề còn tồn tại; nhìn nhận về thực tế để nhận thức rằng, những gì làm được không chỉ của UBTƯ MTTQ Việt Nam mà là sự tập trung, sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền. Đặc biệt, có sự lãnh đạo rất sâu sát của Đảng trong từng hoạt động của Mặt trận.
Theo luật sư Trương Thị Hòa, Điều lệ MTTQ Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung 12 phần, trong đó phần đầu đã bổ sung “MTTQ Việt Nam làm nòng cốt chính trị để nhân dân làm chủ”. Đó là sự kết hợp vô cùng quan trọng, khẳng định vai trò nòng nốt của MTTQ để nhân dân làm chủ.
Những kết quả đạt được không chỉ từ Trung ương mà còn đến từ các cấp của Mặt trận. Trong Điều 12 của Điều lệ đã bổ sung thêm Tổ tư vấn tại xã. Đây là điều vô cùng quan trọng, theo báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đến nay cả nước 43/63 tỉnh, thành phố đã có mô hình Tổ tư vấn tại xã.
Luật sư Trương Thị Hòa cho biết, để phát huy được hoạt động giám sát, phản biện, sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học rất quan trọng, bởi tư vấn và phản biện đòi hỏi tính khoa học rất cao. Trong sửa đổi Điều lệ, tại Điều 20 cũng đã bổ sung việc có chế độ đối với các chuyên gia, cán bộ biệt phái phục vụ cho hoạt động của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam cấp, xã, phường, bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, trong Điều 12 của Điều lệ MTTQ Việt Nam đã được sửa đổi bổ sung, cụ thể ở cấp cơ sở có Tổ tư vấn, điều này rất quan trọng bởi hoạt động của Mặt trận là ở cơ sở gắn liền với nhân dân. Bởi vậy những ý kiến ở cấp cơ sở là quan trọng nhất, đóng góp của cấp cơ sở là đóng góp quan trọng nhất. “Điều 24 đã tập trung sửa đổi vai trò trách nhiệm của MTTQ cấp xã. Điều này thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ để Ủy ban MTTQ cấp xã phát huy vai trò, đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ mới” - bà Hồng nói.
Tại Đại hội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, bổ sung.
Theo Báo Đại Đoàn Kết